Dưới ánh trăng soi – Phần 30

Phần 30

Một thời gian sau nữa, qua Tết khi em đã bình tâm trở lại, tôi quyết định đi tìm chị cùng em. Hai chúng tôi tìm về quê ngoại của em, ngược lên phía thượng nguồn con sông gần 30 cây số nữa, cũng là một bản làng ven con sông ấy… Chúng tôi tìm găp được người bạn năm xưa của mẹ, và ở đây tôi đã được nghe một câu chuyện, rất buồn:

… Ngày ấy, có một cô thiếu nữ người dân tộc Thái tên là Hoa, tuổi đôi mươi đẹp như đóa hoa rừng. Hoa và một người bạn thân làm công nhân của nông trường chè tận bên Thái Nguyên. Trong thời gian ở đó, Hoa phải lòng và yêu một chàng trai miền xuôi lên đây làm gỗ… Tình yêu đầu của đôi trai gái mãnh liệt và rạo rực như lửa cháy…

Nhưng rồi một ngày, chàng trai ấy đi và không bao giờ thấy quay trở lại, còn giọt máu của anh thì đang lớn dần lên trong Hoa, có lẽ anh cũng không hề hay biết…

Một bé gái được sinh ra lén lút trong niềm hạnh phúc của người mẹ trẻ, bên cạnh đó là nỗi tủi hờn, cay đắng. Con bé thật xinh, tròn trịa và đẹp như ánh trăng rằm, nó được các mẹ trong nông trường cùng với mẹ Hoa đặt tên là Nguyệt…

Mùa hè năm ấy, khi con bé mới được 6 tháng tuổi, nhà có việc gọi Hoa về, vì muốn giấu gia đình việc không chồng mà có con, sợ bị gia đình chửi mắng nên Hoa đã gửi con lại cho một cặp vợ chồng cùng làm trong nông trường nhờ trông nom giúp cho mấy ngày…

Hoa và người bạn trở về quê, không biết rằng đó lại là lần xa con mãi mãi. Một tai họa khủng khiếp ông trời đã giáng xuống gia đình cô. Sau mấy ngày liền mưa to như thác đổ, đêm ấy mới lấp ló thấy ánh trăng, Hoa đứng bên bờ sông và nhớ thương về đứa con gái bé bỏng giờ đây đang khát sữa…

Một con lũ điên cuồng và tàn ác quét xuống, nước ở đâu trên rừng dồn về làm mọi người không kịp trở tay, nước lũ đã cuốn trôi tất cả, nhà cửa, hoa màu, súc vật… Ngôi nhà nhỏ cùng cả gia đình Hoa cũng bị cuốn theo dòng nước… Trong nỗ lực sinh tồn giữa sự sống và cái chết. Hoa ôm chặt lấy một thân cây chuối và theo dòng nước trôi đi…

… Hoa được một người đàn ông làm nghề đánh cá trên sông cứu sống, người mà sau này là bố của Nga. Người đàn ông ấy đã vớt Hoa lên trong lúc mà cô gần như kiệt sức. Trò đùa của tạo hóa, người ấy đã si mê và mong muốn được lấy Hoa làm vợ… Bà nội của Nga ngày ấy không đồng ý vì cho rằng Hoa là cô gái đã có chồng, và có con… Nhưng bố Nga không nghe, không tin… Ông dắt mẹ Nga ra bờ sông, chính cái nơi mà ông đã cứu sống người con gái ấy, dựng lên một căn chòi tạm bợ và sống ở đó trong sự xa lánh của gia đình…

Hoa sống ở đó mà không khi nào nguôi ngoai nỗi nhớ con, đứa con thơ bé bỏng, nhưng Hoa không dám nói sự thật với chồng của mình. Hoa sợ rằng, với bản tính của anh, với niềm kiêu hãnh của một người đàn ông hiền lành bộc trực, khi bị tổn thương, người ta sẽ lại ném cô xuống dòng sông đang chảy xiết…

Mấy lần cô lén lút tìm về nông trường cũ, nhưng người ta nói đôi vợ chồng hiếm muộn kia cũng đã về dưới xuôi rồi, nghe đâu ở tận Nam Định, Thái Binh gì đấy…

Có nỗi đau nào hơn nỗi đau mất con? Khi không thể biết được đứa con gái bé bỏng của mình giờ ra sao, sống thế nào, có được ăn no, mặc ấm…

Do điều kiện hoàn cảnh, Hoa không thể cứ đi khắp nơi mà tìm kiếm đứa con, cô chỉ biết nén nỗi đau vào trong lòng, và ôm theo cho đến tận lúc từ giã cõi đời…

Nga về nhà, gục bên bàn thờ mẹ mà khóc nức nở, em trách mẹ sao không nói ra sớm hơn, để làm chi nỗi đau trong lòng mà sinh bệnh… Nhưng giờ đây, tất cả đã muộn rồi…

… Tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm chị cho em. Lần này chúng tôi tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để đi sang bên Thái Nguyên, tìm về nông trường cũ của mẹ. Gần 30 năm sau, mọi thứ dường như đã thay đổi hoàn toàn so với trước, không còn đâu những nông trường đơn sơ ngút ngàn chè xanh nữa, tất cả chỉ còn trong những lời kể… Tôi đi tìm kiếm hỏi han khắp nơi mong tìm kiếm một chút manh mối nào đó dù là nhỏ nhoi… Nhưng vô vọng, một số người già thì đã mất, người thì đã chuyển đi nơi khác, đa phần công nhân đã trở về quê hương…

Quyết tâm lắm nhưng tôi và em thực sự thất vọng, mới một vài thông tin nhỏ nhoi thế này thì tìm đâu ra được chị đây, đã trên dưới 30 năm rồi còn gì nữa…

Tôi và em dừng chân vào nghỉ ở một quán ăn ven đường, nơi đây chuyên bán đồ tạp hóa, đồ ăn uống phục vụ cho công nhân mấy nhà máy chè mới mọc lên. Tranh thủ tôi hỏi chị chủ quán:

– Chị ơi có phải nơi đây ngày trước là nông trường chè không?

Chị nhiệt tình trả lời:

– Chị cũng không rõ lắm đâu, từ ngày về làm dâu ở đây thì đã không thấy nông trường chè nào cả

Thế có nghĩ là, đã từ rất lâu rồi nơi đây chẳng còn chút dấu tích nào của một nông trường tấp nập… Đột nhiên lại thấy chị nói:

– Các em muốn hỏi thì phải vào nhà trong hỏi bố chị ý, chắc là ông cụ sẽ biết đấy…

Tôi mừng vui, thế là lại có thêm một tia hy vọng. Chúng tôi theo lối chị chỉ đi vào một xóm nhỏ ven đồi, đến hỏi nhà của một ông cụ năm nay hơn 70 tuổi. Ông rót nước chè xanh mời chúng tôi uống và trò chuyện…

Theo lời ông kể thì nơi đây ngày trước đúng là có một nông trường chè rất lớn, công nhân ở khắp các tỉnh lân cận cũng về đây làm đông lắm…

Chúng tôi đem câu chuyện của mẹ em ra hỏi, ông bắn điếu thuốc lào, nhấp ngụm trà rồi trầm ngâm suy nghĩ rất lâu…

– Tôi nhớ mang máng… Ngày ấy có cô gái xinh xắn người Tuyên Quang… Đúng rồi… Phải…

– Thế bác có nhớ ngày trước ở đây có một đôi vợ chồng dưới xuôi lên, không có con?

– Nhớ… Đó là vợ chồng anh quản đốc… Nhưng sau đó họ cũng về quê rồi…

– Bác có nhớ quê họ ở đâu không? Họ tên gì?

– Anh ấy tên là Hùng, còn chị ấy tên là Hiền… Từ ngày họ đi tôi không thấy họ quay lại đây nữa, nhưng nghe mọi người nói anh Hùng về Nam Định sau làm chức gì to lắm, không nhớ chính xác nhưng hình như là trưởng phòng Nông Nghiệp…

Thông tin chỉ có vậy nhưng với chúng tôi nó vô cùng quý giá, nó là manh mối để chúng tôi có thêm động lực tiếp tục cho cuộc tìm kiếm này…

Nam Định là quê của tôi, nên tôi đã nhờ rất nhiều người quen, bạn bè thử tìm hỏi giúp, tôi cũng nhờ ông già tôi hỏi mấy người bạn làm trên Huyện, xem có biết bác nào tên là Hùng, ngày trước làm nông trường chè trên Thái Nguyên sau chuyển về Nam Định làm trưởng phòng Nông Nghiệp không?

Suốt mấy tháng trời, không có thêm một chút thông tin gì cả…

Đang là cuối mùa Hè, trời sắp chuyển sang Thu, em bây giờ đã bình tâm trở lại, những đớn đau rồi cũng sẽ rời xa đi, chỉ có nỗi mong mỏi tìm chị chúng tôi vẫn chưa thực hiện được, nên vẫn canh cánh trong lòng…

Tôi về quê mấy hôm cuối tuần nhà có giỗ bác cả anh trai bố tôi, bác mất trong chiến dịch biên giới cuối những năm 70 chống quân Tàu đánh sang các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta… Bố tôi cũng có làm mấy mâm mời anh em họ hàng và bạn bè của bố…

Trong bữa cơm, sẵn có mấy bác làm trên Huyện, tôi lại đem câu chuyện ấy ra hỏi, và thật bất ngờ tôi nhận được câu trả lời trên cả mong đợi.

– Ngày trước có một anh cũng ở trên Thái Nguyên về, làm bên phòng Nông Nghiệp huyện Nam Trực, nhưng không phải tên là Hùng, mà tên là Hường…

Nhưng cả nhà đã chuyển về Hà Nam từ rất lâu rồi…

Vậy là, tất cả lại quay lại từ đầu, bây giờ tôi lại phải chuyển hướng tìm sang tận Hà Nam.

Ngay lập tức tôi nghĩ đến chị, ngày trước chị nói quê chị ở Hà Nam, đồng hương với tôi còn gì, mà bố chị cũng là công chức nhà nước, biết đâu bác biết thông tin. Tôi nhắc máy gọi cho chị, hỏi thăm thì tình hình của chị dạo này vẫn ổn, cuộc sống tốt, và đang hạnh phúc bên người bạn mới, đó là anh bạn làm bên nhà xuất bản.

– Em dạo này thế nào? Sắp lấy vợ chưa?

– Em chưa, em vẫn làm công trình trên Tuyên Quang chị ạ

– Thế hả, chắc lại phải lòng cô gái dân tộc nào rồi chứ gì?

– Vâng… Em bị một cô cô ý chài, không về được rồi… À chị ơi có chuyện này em muốn hỏi chị..

– Chuyện gì vậy em?

– Nhà chị ở Hà Nam nhỉ?

– Đúng rồi, chị nói cho em từ trước rồi mà

– Vâng, em đang tìm một người quen bên Hà Nam chị ạ, trước đây bác ấy làm bên Nam Định nhà em, sau cả nhà chuyển về Hà Nam, bác ấy làm công chức nên em nghĩ bố chị biết, chị hỏi giúp em nhé

– Ừ, bác ấy tên là gì, khoảng bao nhiêu tuổi?

– Chị ơi bác ấy tên là Hường

– Ừ…

– Mới cả vợ bác ấy tên là Hiền

Bên kia giọng của chị vô cùng ngạc nhiên:

– Ô sao giống tên bố mẹ chị thế? Bố chị cũng tên là Hường, mẹ chị tên là Hiền đấy…

Nghe chị nói mà tôi rụng rời hết cả chân tay, tôi choáng váng nằm vật ra giường như người bị cảm, tôi không tin vào những điều mình vừa nghe thấy. Mẹ tôi ở dưới nhà gọi tôi ầm ĩ xuống ăn cơm mà tôi không nghe thấy gì. Mẹ tôi lên đập cửa phòng tôi ầm ầm:

– Quân.. Xuống ăn cơm… Làm gì mà gọi mãi không thưa thế?

– Mẹ ơi con mệt… Con nghỉ lát nữa con xuống ăn sau…

Cả đêm tôi nằm suy nghĩ thầm cầu mong điều trùng hợp ấy không phải là sự thật. Sáng mai tôi sẽ lên Hà Nội sớm, tôi đã hẹn gặp để nói chuyện với chị rồi.

“Thức khuya mới biết đêm dài” câu các cụ nói cấm có sai, sao mà cái đêm ấy tôi thấy nó dài đến thế, tôi lo lắng hồi hộp cho những gì sắp đến…