Tuổi 23 – Phần 55

Phần 55

Nói một chút về người có nick name là Gabietbay. Hắn là người hâm mộ tranh của tôi, luôn ủng hộ tôi kể cả khi tôi vướng chuyện không hay lúc đi thi. Mỗi dịp rảnh rỗi, tôi và hắn luôn trao đổi chuyện vẽ vời. Nếu thằng Choác là bạn thân ngoài đời thực, thì Gabietbay là thằng Choác phiên bản thế giới ảo của tôi.

Hắn hơn tôi bốn tuổi, nhưng khi nói chuyện vẫn xưng “ông, tôi” như bạn đồng vai phải lứa. Gabietbay luôn nhờ tôi đánh giá tranh của hắn trước khi đưa lên diễn đàn. Hắn vẽ không thực sự đẹp, nhưng kiến thức về vẽ lại khá rộng nên mỗi lần trao đổi với hắn, tôi lại ngộ ra thêm điều mới mẻ. Mỗi tối, tôi háo hức nói chuyện với Gabietbay hơn là lên mạng đọc báo hay chơi game. Tìm bạn thân đã khó, tìm người tâm giao trong cùng một lĩnh vực khó gấp bội và tôi thấy mình may mắn khi tìm được tay này.

Nói chuyện với Gabietbay hơn hai năm, tôi biết được tên thật cùng địa chỉ nhà của hắn. Mấy lần tôi muốn về Hải Phòng chơi với gã mà chưa có dịp. Tôi thường đùa với Gabietbay rằng không dám về thành phố hoa cải vì sợ đạn lạc. Nhưng lần này dẫu đạn bay đì đùng khắp đường phố, tôi vẫn sẽ tới. Bởi lẽ tôi đang là kẻ không nhà.

Khoảng năm giờ chiều, tôi đặt chân xuống Hải Phong. Kỳ thực, thành phố này không dễ sợ như người ta tưởng tượng. Lúc ấy, vì quá mệt mỏi lẫn chán đời, tôi không để ý Hải Phòng trông ra làm sao. Nhưng trong trí nhớ của tôi, người dân nơi đây có gì đó khá đặc biệt.

Khi tôi hỏi đường, họ không tỏ thái độ nhiệt thành song hành động lại khác: chỉ dẫn khá tận tình, người nào không biết thì hỏi người khác giùm tôi. Địa chỉ nhà gã Gabietbay khó kinh dị, song nhờ họ, cuối cùng tôi cũng tìm được đến nơi. Cũng có thể hôm đó tôi gặp được toàn người tốt không biết chừng. Hoa cải… à nhầm, hoa phượng đỏ không tệ! – Tôi nghĩ.

Nhà của Gabietbay nằm trong con ngõ khá sâu. Ngõ sâu không phải vấn đề, vấn đề ở chỗ trước ngõ có một hàng bán trà đá và gã chủ quán trà đá thực sự hơi kinh dị. Gã gầy tóp, tôi mang tiếng “tóp” mà chưa tóp bằng gã, tay hơi khẳng khiu, mặt già đanh, ánh mắt đầy vẻ hiếu chiến. Con bà nó, vớ phải hoa cải thật rồi! – Tôi nuốt nước miếng, đoạn hỏi gã:

– Anh ơi cho em hỏi nhà này ở đâu ạ?

Trái ngược với bộ dạng của mình, gã chủ quán đáp lại khá nhã nhặn:

– Bạn hỏi có việc gì nhỉ?

– À, em là bạn của Gabietbay (chỗ này không nêu tên)! Em mới qua chơi…

– Bạn là bạn thế nào nhỉ? – Gã chủ quán hỏi vặn.

Tôi cảm giác có mùi gì đấy không ổn ở đây. Nghe nói đám giang hồ xứ này có đủ mọi trò moi tiền người lương thiện. Trách mình số xui, tôi bèn trả lời:

– À, em quen Gabietbay qua mạng. Em với anh ấy đều thích vẽ nên thi thoảng cũng nói chuyện với nhau.

Nghe tới đây, gã chủ quán trà đá bỗng mở lớn mắt:

– Là Boyteotop phải không? Từ Hà Nội xuống đây hả?

Nghe gã nói vậy, tôi bần thần một lúc rồi chợt hiểu vấn đề. Bạn tôi đây sao? Là cái thằng cha trông như nghiện này sao? Tôi nói:

– Thế anh là…

– Gabietbay đây mà! Bây giờ mới gặp mặt nhau nhỉ? Nhà tôi ngay trong này thôi, ông vào chơi nhé! Đợi tôi tí!

Hắn không đứng dậy ngay mà lúi húi lôi một đống thứ bên dưới gầm bàn. Tôi nhận ra nó là một chiếc xe lăn gấp. Gã dùng sức nhổm người từ ghế ngồi sang xe lăn rồi dắt tôi vào con ngõ nhỏ, vừa đi vừa cười:

– Sao ông đến mà không bảo tôi một tiếng? Biết thế hôm nay tôi nghỉ hàng sớm! Ông bảo chưa được ăn mấy món đặc sản Hải Phòng phải không? Yên tâm, nhà tôi có!

Hắn vừa lăn xe, vừa cười, trong ánh mắt không hề có lấy một tia nhìn bi quan. Nhìn hắn, tôi phấn chấn lên đôi chút.

Tôi đã nghĩ tuổi 23 của mình là cơn ác mộng.

Nhưng kia là bạn tôi. Hắn 27 tuổi và bị liệt, không thể đi lại bình thường.

Và cuộc nói chuyện giữa tôi và hắn đã thay đổi tất cả. Đó là một cuộc đối thoại không dài dòng lắm…

Bạn đang đọc truyện Tuổi 23 tại nguồn: http://truyensextv.vip/tuoi-23/

Hồi đầu năm, trong một buổi café trà đá, tôi và mấy thằng bạn có bàn luận chuyện Nick Vujicic sang Việt Nam. Ba đứa chúng tôi mỗi người một ý kiến riêng; tôi nghĩ anh ta muốn cổ vũ động viên những người đồng cảnh ngộ, thằng Choác thì nghĩ anh ta chỉ cố kiếm tiền, còn thằng Xoạch quả quyết nếu sinh ra ở Việt Nam, có lẽ giờ này Nick Vujicic đang lăn lộn bán vé số trên vỉa hè. Nhưng cả ba đều đồng ý rằng nếu chẳng may lâm vào hoàn cảnh của họ, chúng tôi sẽ tự sát ngay lập tức. Cơ thể đang lành lặn bỗng mất một bộ phận, thực là cơn ác mộng khủng khiếp.

Thật tình mà nói, trước đây khi thấy người khuyết tật, tôi đều tránh xa họ. Trong mắt tôi, họ như một chủng tộc khác vì một lý do rất đơn giản: họ tàn khuyết, tôi đầy đủ. Và bởi sự khác biệt, tôi lảng tránh họ. Nhưng bạn của tôi – Gabietbay lại là người khuyết tật. Dù mới chỉ nói chuyện qua mạng, thậm chí chưa biết mặt nhau, song sau những việc cùng trải qua lẫn chia sẻ trên diễn đàn vẽ, tôi coi hắn là người bạn thân thiết. Và khi đối diện người bạn với thân thể không lành lặn, tôi có cảm giác khó xử.

Để cho đơn giản, tôi sẽ gọi Gabietbay là Gà Bay (phân biệt với thằng Gà hồi cấp hai). Trước đây, Gà Bay chưa bao giờ nói cho tôi về hoàn cảnh đặc biệt của hắn. Mỗi khi tôi hỏi hắn đang làm ở đâu thì hắn chỉ trả lời là thất nghiệp, ngồi nhà bán trà đá. Hắn thất nghiệp thật, bán trà đá thật, nhưng hắn chưa từng nói tại sao mình lại như thế. Thời buổi này chẳng ai muốn thất nghiệp và bán trà đá cả. Nhìn tình cảnh của Gà Bay, tôi mới hiểu tại sao trong những bức ảnh offline của diễn đàn vẽ ở Hải Phòng không bao giờ có mặt hắn. “Vui thế, sao ông không đi?” – Tôi thường hỏi Gà Bay thế. Đáp lại, hắn chỉ ỡm ờ nước đôi, khi bảo nhà có việc, lúc nói bận trông hàng. Hắn thiếu thành thật, nhưng tôi nghĩ đó là quyền lợi chính đáng của hắn.

Tuy nhiên, Gà Bay chẳng bối rối khi tôi biết sự thật. Trên chiếc xe lăn, hắn vui vẻ dẫn tôi về nhà và không ngừng nói về chuyện vẽ. Hắn nói về tác phẩm của tôi, tác phẩm của hắn, của những thành viên trên diễn đàn. Hắn nói một cách say mê và có nghề:

– Ông thấy mấy thằng mới không? Chúng nó vẽ chán lắm, toàn bắt chước mấy tranh bên nước ngoài thôi! Còn lắm ông cứ tô màu bừa phứa rồi bảo đấy là ấn tượng với sáng tạo. Đan Mạch, nhìn không khác gì cái mớ tạp phí lù! – Gà Bay bức xúc nói, tay chém lia lịa như quạt gió – Đám cũ như ông với mấy thằng khác đi hết cả, chất lượng cái box xuống cấp thảm hại lắm. Chúng nó giờ lại vào tự bợ đít khen nhau nữa, khắm vãi luôn!

Tôi tặc lưỡi:

– Mỗi thời mỗi khác! Mà dạo này ông còn vẽ nữa không?

Gà Bay cười:

– Có chứ? Sao không? Tôi vừa vẽ mấy tranh mới, tí nhờ ông xem hộ!

– Mà ông bỏ hàng ngoài đấy à?

– Không sao! Mấy bà hàng xóm trông hộ rồi, em tôi đi học sắp về, tẹo nó ra trông ấy mà! À mà chưa hỏi, hôm nay ông rảnh à? Sao xuống Hải Phòng vậy?

Mỗi người có một bí mật. Tôi không muốn kể câu chuyện gia đình đáng xấu hổ cho người bạn mới gặp mặt, đành ậm ừ:

– Ờ. Mai thứ bảy, nghỉ mà. Đang rỗi, tiện xuống chơi với ông luôn! Biết nhau lâu mà chưa bao giờ gặp mặt cả.

Gà Bay cười. Hắn tiếp tục dẫn tôi vào ngõ rồi rẽ vào một con hẻm bên phải, đi thêm đoạn nữa thì dừng lại trước một căn nhà hai tầng. Nhà hơi bé, khoảng sân trước nhà chỉ rộng vừa đủ để đặt hai chậu cây cảnh cùng vật dụng bán hàng như ghế nhựa, một xô đựng cốc chưa rửa hay mấy két nước ngọt đựng toàn vỏ chai xếp chồng lên nhau và một cái bếp lò chưa nguội than.

Gà Bay lăn xe qua khoảng sân, mở cửa rồi gọi tôi vào. Bước qua cửa, nhìn ngắm nội thất căn nhà, tôi cảm giác như đang sống trong những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Những thứ vật dụng thời bao cấp tồn tại một cách mơ hồ trong ký ức của tôi, giờ đang hiện lên sống động và chân thực hơn bao giờ hết. Từ chiếc tủ kính thấp chân đựng bộ cốc chén Liên Xô, con lật đật màu đỏ nằm ở góc tủ cho tới chiếc đồng hồ Gimiko đã mờ hết mặt treo trên tường (ít nhất thì chiếc tivi trên tủ kính là đồ mới). Nhưng thứ khiến tôi ấn tượng nhất là bộ bàn ghế, nó vốn có màu cánh gián, nhưng đã bạc màu sau hai chục năm cống hiến trong phòng khách. Dưới tấm kính ốp lên mặt bàn là những bức ảnh gia đình của Gà Bay. Trong thời đại này, những bức ảnh vừa quen, vừa lạ lại vừa quý giá. Tôi chỉ vào một bức và cười:

– Thằng vẹo này là ông à?

Trong ảnh là một thằng bé con trạc bảy, tám tuổi đang đá bóng trên bờ biển. Gà Bay ngó vào bức ảnh, trả lời:

– Ừ! Tôi đấy! Hồi ấy quậy lắm, suốt ngày nghịch với bóng thôi. Hồi ấy tôi hâm mộ đội Công an Hải Phòng nên muốn làm cầu thủ. Chuẩn bị xin vào lò đào tạo rồi ấy chứ…

Gà Bay bỏ lửng câu nói, sau quay vào nhà bếp, còn tôi ngắm nghía bức ảnh. Thằng bé trong ảnh có nước da ngăm đen đặc trưng của dân miền biển, ánh mắt sáng ngời, thân thể hoạt bát đầy sức sống. Hẳn đã có người nghĩ rằng khi thằng bé lớn lên, nó sẽ trở thành cầu thủ, hoặc không cũng trở thành thanh niên năng động. Chẳng ai nghĩ gần hai mươi năm sau, cuộc đời thằng bé ấy sẽ gắn liền với chiếc xe lăn. Nhưng thực tế đã xảy ra và tôi nghĩ không ít sự thất vọng từng bao trùm lên căn nhà này.

Nhìn ngang ngó dọc một lúc, tôi liền vào bếp và thấy Gà Bay đang lúi húi chuẩn bị đồ ăn. Hắn nói buổi trưa nhà vừa có cỗ, còn nguyên một đĩa nem cua bể chưa ai đụng đến. Hắn bảo tôi thông cảm vì gần nhà không có quán nào bán bánh đa cua – thứ tôi vẫn muốn nếm thử. Hắn lại gọi điện nhờ đứa em khi đi học về thì tạt qua tiệm mua ít bánh mì cay. Tôi cười, bảo trên Hà Nội không thiếu món đó. Gà Bay lắc đầu, nói rằng hắn từng lên Hà Nội và thấy món bánh mì cay ở đó chỉ là hàng nhái kém chất lượng. Đồ ăn xong xuôi, trong nhà lại có rượu, vậy là đủ cho một đêm nhậu nhẹt. Nhưng tôi thấy Gà Bay vẫn đang ngắc ngứ ở góc bếp. Tôi hỏi:

– Làm gì đấy ông?

– Nấu cơm cho em tôi

Gọi là “ngắc ngứ” vì thùng gạo hơi cao, đứng thì lấy dễ chứ ngồi hơi khó. Gà Bay phải nhổm cả người, một tay chống lên thành cái thùng, tay kia vớt lấy hơn một bò gạo (ai không biết thì một bò gạo tính bằng cái lon sữa ông thọ). Rồi sau đó, hắn ra ngoài sân vo gạo. Bởi không thể ngồi xổm nên hắn phải bắc thêm một cái đôn phía dưới vòi nước rồi đặt chậu rửa lên trên. Cũng vì không thể đứng nên hắn không dùng chậu rửa trong bếp. Trông hắn vo gạo, tôi liền hỏi:

– Ngày nào ông cũng nấu à?

– Ờ. Ông già thì bận suốt, có bao giờ ở nhà đâu? Vậy là tôi phải nấu thôi.

– Thế bà già đâu?

– Ly dị rồi. – Gà Bay đáp lời – Các cụ không ưa nhau. Sau khi tôi liệt khoảng ba bốn năm gì đấy, không nhớ nữa!

Nói rồi hắn cười. Cười không phải kiểu chua chát, nụ cười của hắn là kiểu chấp nhận những chuyện đã rồi. Hẳn còn nhiều lý do đằng sau vụ ly dị ấy và tôi rất muốn biết, nhưng sẽ tốt hơn khi cuộc sống này còn những bí mật.

Việc nấu ăn với Gà Bay cũng khá khó khăn. Tôi hỏi rằng có thể đỡ được cái gì không thì hắn từ chối. Tôi cười:

– Đan Mạch, ông chê tôi không biết nấu à? Tôi nấu cũng được đấy nhé!

– Không phải. Mấy cái này tự tôi làm, đơn giản ấy mà!

Vì không thể nấu bếp gas, Gà Bay nấu nướng bằng bếp than. Bếp gas để cao quá, hắn không với tới, có lần hắn cố thử đặt cái ghế con trên ghế xe lăn, phiền nỗi xe lăn không vững, nó trượt bánh sang một bên và hắn ngã bổ chẩng, suýt nữa gãy tay. Sau lần ấy, bố của Gà Bay không dám để hắn nấu bếp gas nữa. Chiếc bếp lò cũ mèm thuở nào được lôi ra dùng lại. Đã bước qua thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, nhưng nhà hắn cứ đều đặn hai tháng lấy than một lần. Mỗi sáng, hắn lại thức dậy đun bếp và hiếm khi mượn ai làm thay, trừ hôm nào ốm quá không dậy được. Hắn vừa nấu vừa nói:

– Tôi không nấu được nhiều món. Mà nấu lại hay bị mặn! Con em tôi bảo cho nhiều muối quá! Mãi không sửa được!

Tôi cười:

– Mặn là được rồi! Mà ông nấu bếp than, hàng xóm không nói gì à?

– Hồi đầu thì có, sau thôi. Họ biết tôi bị thế này nên cũng thông cảm. Nhưng tôi đang tính nấu bếp từ, hơi tốn điện một tí nhưng đỡ ảnh hưởng. Bếp lò đun nước đun chè thôi!

– Ông mua bếp từ của thằng Thái lọ ấy! Rẻ mà tốt! – Tôi nói.

– Cái đấy phải để ông già hoặc con em tôi đi mua. Tôi không ra ngoài mấy nên biết cái đếch gì đâu! – Gà Bay cười.

Tôi vừa ngó Gà Bay làm món thịt rang vừa bàn với hắn về mấy cái bếp. Khoảng sáu giờ, đứa em của Gà Bay đi học về. Cô bé mang theo một túi đầy bánh mì cay nóng hổi và thơm phưng phức. Chúng tôi đợi cô bé ăn tối xong mới bắt đầu cuộc nhậu trong phòng riêng của Gà Bay. Căn phòng khá bé, nguyên cái giường và bàn học đã choán gần hết diện tích, chỉ chừa một khoảng nhỏ giữa phòng, trải tấm chiếu cho hai thằng ngồi nhậu là vừa hết. Căn phòng chật một phần vì giấy tờ bừa bộn, nhìn đâu cũng thấy giấy xếp thành đống: trên giường, dưới gầm giường, trên mặt bàn, chất đầy khắp các ngăn kệ sách. Lộn xộn – có thể gọi nơi này là vậy.

Nhưng đó là sự lộn xộn tuyệt vời nhất tôi từng thấy. Bởi những xấp giấy tờ ấy đều có nét bút vẽ. Tôi thường tự hào rằng số tranh mình vẽ ra nhiều hơn số tóc trên đầu. Nhưng ở căn phòng này, sự tự hào ấy chỉ là trò cười. Những bức tranh có thể chưa đẹp, chưa đủ gây ấn tượng, song tôi biết Gà Bay tô vẽ chúng hết sức tỉ mỉ. Để hoàn thiện số tranh này, thời gian lẫn sức lực và trí tuệ bỏ ra không hề nhỏ. Tôi thấy một bức tranh dở dang đang nằm cạnh màn hình vi tính. Gà Bay lập tức hỏi tôi:

– Thế nào hả ông?

– Cũng được đấy chứ! Nhưng mà chỗ này không ổn… tỉ lệ người bị sai này, ông không thấy tay quá dài à?

– Ờ được rồi, để đó chốc tôi sửa. Thôi uống đã ông ạ! Lâu lâu ông mới xuống đây chơi, ăn uống thả phanh nhé!

Hắn xách ra một chai Vodka Hà Nội, nhưng chất lỏng bên trong không phải thứ rượu nồng nặc mùi cồn và có vị buồn nôn như thường lệ, nó êm dịu và thơm mùi gạo mới. Gà Bay quảng cáo rằng đây là rượu do nhà ông bác nấu. Rượu ngon, nhưng một điều hài hước là tửu lượng hai thằng đều kém. Gà Bay tự nhận xét tuy mặt mũi ngầu ngầu gấu chó nhưng hớp được năm sáu chén là chết ngay tại chỗ hoặc đi gặp chị Huệ liền.

Thế là hai thằng hẹn nhau uống hết mình chén thứ nhất, năm mươi – năm mươi chén thứ hai và bắt đầu lai rai chén thứ ba. Mồi nhậu tứ lung tung gồm mấy con mực khô, một đĩa nem cua bể, một đĩa tú ụ bánh mì cay; trông hơi hổ lốn nhưng phàm đã nhậu thì cái gì có thể ăn là thành mồi hết.

Hương vị cuộc nhậu không nằm ở mồi hay rượu, mà quan trọng là những người đang ngồi nhậu. Tôi và Gà Bay không phải những kẻ uống nhiều. Vì không thể uống nhiều nên chúng tôi vẫn tỉnh táo, nhưng vì có hơi rượu nên cả hai cởi mở lòng mình hơn. Và cuộc nói chuyện giữa chúng tôi cứ kéo dài mãi, tựa hồ không bao giờ kết thúc. Như thông lệ, câu chuyện mào đầu vẫn là vẽ. Không có gì khó hiểu khi diễn đàn vẽ mà chúng tôi tham gia trở thành chủ đề bất tận trong cuộc nhậu. Gà Bay nói:

– Tôi vào diễn đàn sớm hơn ông, chắc khoảng hai năm gì đấy… Ờ, tôi có quen một thằng bạn trên mạng, nó chỉ xem thôi, không biết vẽ! Thằng ấy nick là Chuotchu, ông biết nó không? Ờ, nó tìm ra cái diễn đàn này rồi rủ tôi tham gia.

– Vậy hả? Thế trước đấy ông vẽ bao giờ chưa?

– Có, một ít.

Nói rồi Gà Bay chỉ tay vào kệ sách. “Một ít” của hắn là hàng trăm tờ giấy khổ A4 xếp chồng đống. Tôi tiện tay vớ lấy một tập. Chúng đã ngả màu vì năm tháng thời gian nhưng nét bút trên giấy vẫn khá rõ ràng. Tôi bật cười vì những đường nét ngô nghê như được họa lên từ bàn tay học sinh tiểu học. Đó là những bức vẽ đầu tiên của Gà Bay, năm hắn hai mươi tuổi. Tuổi tác không thành vấn đề khi ta bắt đầu làm một thứ gì đó, vấn đề là “lý do”. Tôi rất tò mò tại sao Gà Bay lại vẽ:

– Tự nhiên ông thích vẽ à? Hay là có người dạy?

Gà Bay tặc lưỡi:

– Thực ra là tôi thích từ bé, hồi chín mười tuổi cơ! Ngày trước có thằng bạn hay qua nhà chơi, tôi thấy nó học Mỹ Thuật, ngó qua thấy thích rồi vẽ lại thôi. Nhưng hồi bé vẽ chơi chơi, mấy năm gần đây tôi mới vẽ nghiêm túc. Chẳng có ai dạy đâu, toàn tự học thôi!

– Trường tiểu học nào chẳng dạy môn Mỹ Thuật? Ngày trước tôi ghét môn ấy như gì!

Gà Bay cười:

– Ờ thì biết thế. Vấn đề là tôi mới học hết lớp ba, chửa biết Mỹ Thuật lớp 4, lớp 5 như thế nào.

Sự ngỡ ngàng len lỏi qua tâm trí tôi. Tôi đặt xấp giấy trở về chỗ cũ rồi hỏi hắn:

– Thế ông bị liệt từ lớp 3 à?

– Ờ.

Gà Bay thở dài một lúc rồi nâng chén rượu thứ ba với tôi. Uống xong, hắn bắt đầu kể chuyện. Đại khái là hồi lớp 3, Gà Bay ốm nặng. Bố mẹ mang hắn ra trạm y tế phường thì bọn chó chết (nguyên văn lời Gà Bay và hắn đặc biệt nhấn mạnh từ này) bảo rằng chỉ là ốm sơ sơ, không cần thiết phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Bố mẹ Gà Bay tưởng thật, chỉ cho hắn uống mấy liều thuốc thông thường. Nhưng bệnh của hắn ngày càng nặng, tới lúc hôn mê bất tỉnh, gia đình mới cuống cuồng đưa lên bệnh viện thì nhận được tin dữ: Gà Bay chỉ còn sống được vài tháng. Trong cơn tuyệt vọng, bố mẹ đưa hắn đi khắp nơi tìm thầy thuốc, từ đông sang tây đủ cả. Chuyện đã gần hai mươi mấy năm, nhưng với Gà Bay, nó chỉ như vừa xảy ra ngày hôm qua.

– Lúc ấy khổ đếch chịu được ông ạ! Ngày nào ông bà già cũng lôi tôi đi gặp mấy ông thầy tận đẩu tận đâu. Mà chữa mãi nó đếch khỏi mới cay! Mình đang ốm dở, trời đất lúc nào cũng quay mòng mòng hết!

– Thế cuối cùng thế nào? Sao ông sống được?

– Ờ, may là nhà tôi tìm được ông N, ông này giỏi châm cứu lắm! Ổng làm ở Trung ương thì phải. Ổng châm cứu cho tôi hai ba hôm gì đấy thì khỏi. Nhưng ổng chỉ cứu được cái mạng tôi thôi. Bệnh ngấm lâu quá, ổng không cứu được hết, và kết quả là thế này đây…

Hắn cười rồi vén ống quần dài lên, tôi thấy chân hắn rất bé, chưa chắc đã to bằng nửa chân tôi, mà tôi là thằng “teo tóp”. Bởi mặc cảm này nên Gà Bay luôn mặc quần dài bất kể thời tiết thế nào đi chăng nữa. Hắn nói họa hoằn lắm lúc đi ngủ mới dám mặc quần đùi. Nhưng ngoài lý do mặc cảm, đằng sau đôi chân bị liệt đó còn là câu chuyện khác. Gà Bay nói:

– Không cứu được cái chân, ông bà già tôi suốt ngày cãi nhau. Được một thời gian im ắng, bà già đẻ được con em lại cãi nhau tiếp. – Hắn cười – Mẹ tổ sư, thế là ly dị luôn!

Gà Bay chỉ nói đến thế, song tôi cũng hiểu vấn đề. Gà Bay vỗ vỗ vào chân mình, đoạn tiếp lời:

– Gần như không làm ăn được gì nữa ông ạ, giờ tôi chỉ loanh quanh ở nhà với ra đầu ngõ bán quán nước là hết, không đi được xa. Mà ngay ở cái nhà này, tôi cũng hiếm khi lên tầng hai. Luẩn quẩn quanh cái góc này vậy thôi…

Hắn vừa nói vừa khoát tay mô tả khoảng không gian nhỏ tin hin này của hắn. Bé, thực sự bé! – Tôi tự nhủ. Đời người sợ là giam mình trong một không gian nhỏ hẹp, bởi thế người ta luôn muốn đi và tìm một không gian lớn hơn để thỏa sức vùng vẫy. Vậy nên ai cũng thích đi du lịch hoặc đi phượt, đó là bản năng của con người.

– Đừng bảo với tôi là chân giữa của ông cũng toi luôn thể nhé? – Tôi nói.

Gà Bay cười sằng sặc:

– Không, vẫn hoạt động tốt. Nhưng mà… ngoài đi vệ sinh ra thì cũng chẳng làm gì nữa, cùng lắm là quay tay thôi!

Tôi cười như điên trước lời đùa cợt tếu táo của hắn. Nhưng khi tiếng cười dịu bớt, sự im lặng như chiếc lồng bàn từ từ úp xuống cuộc nhậu. Tôi len lén nhìn sang Gà Bay, nhìn lén chứ không phải nhìn thẳng. Tôi sợ bắt gặp ánh mắt của hắn. Bởi đằng sau lời đùa cợt ấy là nỗi khổ mà Gà Bay có thể sẽ phải chịu đựng suốt đời. Có thể là mười, hai mươi năm nữa, thậm chí năm mươi năm nữa, căn phòng chật hẹp vẫn chỉ có mình hắn. Có thể tôi sẽ đến thăm hắn nhiều hơn, nhưng bạn bè không thể ở bên nhau mãi và tình bạn bè không thể khỏa lấp sự cô đơn tột cùng ấy.

Gà Bay nói hắn từng thích một cô bé. Hàng ngày, cô bé đi học qua con ngõ nhỏ nơi Gà Bay bán trà đá. Hắn nhìn dần thành quen, rồi để ý cô bé từ lúc nào không hay. Nhưng thích chỉ là thích chứ hắn không thể tiến xa hơn, vì cuộc đời này có những giới hạn không thể vượt qua. Rồi qua một thời gian, cô bé chuyển lên Hà Nội rồi ở hẳn trên đó, mãi mãi không bao giờ đi qua con ngõ nhỏ nữa. Một câu chuyện tình ngắn ngủi.

Dù vậy Gà Bay vẫn kịp lưu giữ câu chuyện ngắn ngủi đó qua tranh vẽ. Hắn trèo lên ghế, rút một tập giấy từ kệ sách (hắn không nhờ tôi làm hộ dù ngăn kệ hơi cao) và đưa cho tôi một bức vẽ chân dung. Tranh chưa thực sự đẹp, tôi cảm thấy thế. Không phải người xấu mà vì nét vẽ chưa thuần thục. Gà Bay cũng thừa nhận hiếm khi vẽ nữ giới nên không có nhiều kinh nghiệm. Nhưng tôi lại nhận ra mình bị cuốn hút bởi đôi mắt trong bức tranh. Chỉ là đánh bóng bằng chì, một thủ thuật đơn giản, song tôi có thể nhìn rõ những câu chuyện trong đôi mắt ấy cùng những tình cảm mà người vẽ dành cho bức tranh. Gà Bay cười:

– Tranh này tôi vẽ lâu rồi, bốn năm năm gì đấy. Đưa lên diễn đàn thì chúng nó chửi nhiều lắm, bảo vẽ xấu quá!

Tôi cười. Rồi chúng tôi lại cùng nhau uống chén rượu thứ tư. Gà Bay bảo tôi ăn bánh mì cay. Hắn nói món này của một cửa hàng mà hắn rất thích, hai mươi mấy năm nay hắn chỉ khoái ăn mỗi chỗ đó. Tôi ăn thử một cái rồi ho sù sụ trước vị cay xé cổ của nó. Không phải tương ớt cay cay ngọt ngọt đóng chai của nhà mày mà là ớt thật, cay thật. Ngay lúc ấy, tôi chợt hiểu tại sao hắn thích món này đến vậy. Tôi nói:

– Ông có định vẽ chuyên nghiệp không?

Gà Bay tựa lưng vào thành giường, đầu ngửa lên, đôi mắt mơ màng về một tương lai xa xôi. Nhưng rồi hắn lại cúi đầu trở về với thực tại. Hắn nói:

– Muốn lắm chứ, nhưng chắc là không được. Người ta bảo muốn vẽ đẹp phải chứng kiến nhiều, đi nhiều. Tôi thì… đi thế nào được? Chắc chỉ tham khảo qua mạng là hết cỡ! Mà mạng sao bằng đời thực, đúng không?

– Nếu biết thế, ông còn vẽ làm gì? Ông đâu thể vẽ chuyên nghiệp, đúng không?

Gà Bay cười:

– Ờ thì biết thế! Nhưng mà khi vẽ, tôi thấy thoải mái hơn, thấy… dễ chịu hơn. Ít nhất là khi vẽ, tôi không thấy mình bị khiếm khuyết gì cả.

Tôi hiểu tâm trạng của Gà Bay. Nếu còn đôi chân, hắn sẽ đi được nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và vẽ đẹp hơn tôi. Hắn vẽ kém hơn tôi chỉ vì xuất phát điểm của mỗi người khác nhau. Nhưng vừa phải bán trà đá mưu sinh, vừa vẽ được, tôi thấy hắn cũng tài, bèn hỏi:

– Ông ngồi quán cả ngày sao vẽ được?

– Hở ra lúc nào là vẽ lúc ấy. Lúc không có khách này, lúc ăn trưa này, đêm này… tôi thức muộn lắm, một hai giờ sáng mới ngủ!

Tôi mỉm cười, nghĩ đến hắn rồi lại nghĩ đến mình. So với một gã thiệt thòi như hắn, tôi cảm giác những sự cố gắng của mình từ trước đến nay chỉ như trò cười. Tôi nháy mắt:

– Vẽ nhiều vậy, thế nào cũng bói ra được một bức bán cả triệu đô.

Gà Bay cười tươi. Hắn biết tôi nói đùa và vui vẻ vì lời đùa cợt ấy. Hắn nói:

– Ông có bao giờ bị chửi vì vẽ không?

– Có. – Tôi cười sằng sặc – Cái Đan Mạch, hồi cấp ba bị chửi nhiều khiếp…

Và tôi bắt đầu kể cho Gà Bay những câu chuyện thời đi học. Hắn không nói câu nào, chỉ nghe một cách say mê và chăm chú. Không được đi học, không biết chuyện học sinh, không biết nhiều về trường lớp… mọi sự “không” khiến hắn háo hức lắng nghe mọi điều tôi nói. Nghe xong, hắn cười:

– Tôi cũng hay bị chửi. Ông già nhà tôi thi thoảng say rượu hoặc bực mình lại chửi tôi là thằng què suốt ngày vẽ vời. Lắm lúc ghét ổng, định cầm cái bát phi vào đầu ổng đấy chứ! Nhưng mà… dù sao ông già vẫn nuôi tôi, hôm nào cũng đi làm hết. Cái bộ máy tính này là ổng mua cho tôi đấy chứ! Thế nên tôi cũng phải bán trà đá phụ ổng, chứ không tội ổng lắm. Bố với con trai đánh nhau, nhưng cuối cùng vẫn là bố con chứ hả?

Nghe hắn nói vậy, tôi thấy hơi cay mũi, đôi mắt bắt đầu nặng trĩu. Nhưng là thằng hiếu thắng, tôi quyết không để ai kể cả bạn thân, thấy mình tỏ ra yếu đuối. Tôi bèn đi vòng quanh phòng, cố gắng xem những tập tranh để quên đi nỗi buồn trong lòng. Lạ thay, tranh của Gà Bay khiến tôi vui vẻ hẳn lên. Có một tập tranh kỳ lạ gồm nhiều chủ đề khác nhau, nhưng điểm đặc biệt là màu sắc tranh luôn tươi sáng, dù nó được phối với nhau một cách hơi bừa bãi và thiếu quy tắc. Nhìn chúng, tôi chợt nhớ về những giấc mơ thời xa lơ xa lắc. Gà Bay vừa cười vừa nói:

– Ông có nhớ kiểu vẽ ấy của ai không?

– Không?! – Tôi nhíu mày – Ông tự nghĩ ra à?

– Mau quên thế? Là của ông chứ của ai! – Gà Bay cười – Nhớ hồi trước chứ? Mấy thằng cứ thảo luận vẽ kiểu này mới đúng quy tắc, vẽ kiểu kia mới ra phong cách. Tự dưng ông xuất hiện và nhổ toẹt vào mọi thứ. Cái kiểu pha màu ba lăng nhăng của ông hóa ra lại làm nhiều đứa thích, cũng có đứa ghét. Tôi thì thích kiểu vẽ của ông. Cảm giác yêu đời hơn hẳn! Cho nên tôi mới học theo. Nhưng mà hình như chỉ mỗi ông làm được thôi thì phải?

– Pha màu thôi ấy mà, có cái gì ghê gớm đâu… – Tôi trả lời.

– Ông vẽ lại đi. – Gà Bay đề nghị – Tôi với nhiều đứa cũng muốn ông vẽ lại lắm. Mấy hôm trước có thằng hỏi tôi là “thằng Boyteotop bao giờ sẽ vẽ lại?”.

Tôi cười:

– Tôi giờ đi làm rồi, thời gian đâu nữa? Với cả vẽ có ra tiền đếch đâu?

– Biết thế… nhưng biết đâu ông tìm được cái gì hay ho thì sao?

– Thế ông tìm được cái gì hay ho?

– Nhiều chứ! Nhưng quan trọng nhất là tôi thấy mình đang sống và có thể sống tiếp.

Tôi có thể hiểu tình cảnh của Gà Bay. Vẽ có thể làm vơi đi cuộc sống nhàm chán và đầy nỗi buồn của hắn. Nhưng tôi khác hắn, tôi còn cả đống thứ mà gia đình giao phó, còn trăm thứ chuyện mà cuộc sống này buộc tôi phải làm. Tôi không thể rũ bỏ mọi thứ, càng không muốn mình rũ bỏ mọi thứ để chạy theo một giấc mơ bất định.

Tôi quay ra định nói tiếp thì cụt hứng vì… Gà Bay đã ngủ từ lúc nào. Hắn tựa lưng vào thành giường, tay khoanh trước ngực, miệng ngáy pho pho. Hắn 27 tuổi, nhưng hắn chỉ như cậu bé 17 đầy mơ ước lẫn ngây thơ. Ngây thơ đến mức ngủ ngay trước mặt một kẻ xa lạ từ Hà Nội xuống. May cho hắn, tôi là Tùng Teo Tóp chứ không phải quân lừa đảo trộm cắp lẫn râu xanh. He he, nói mới nhớ, cô em gái của hắn không tệ chút nào!

Định kéo Gà Bay lên giường ngủ, tôi bất giác nhận ra khóe mắt hắn đã ướt nhèm từ bao giờ. Tôi chợt hiểu đằng sau khuôn mặt hay cười và lạc quan đó là những nỗi buồn chất thành đống. Gà Bay không nói hắn đã sống thế nào trong khoảng thời gian trước khi vẽ vời. Tôi đoán nó là một mặt tối phía sau thái độ luôn tươi cười của hắn. Và dường như mọi uất ức từ mặt tối đó của Gà Bay đều dồn vào tranh vẽ, nỗi buồn nhiều bao nhiêu, tranh nhiều bấy nhiêu.

Làm thằng đàn ông đã khổ.

Làm thằng đàn ông khiếm khuyết khổ gấp vạn lần.

Tôi lôi tập tranh của Gà Bay ra xem bằng hết. Tôi không nhớ mình đã xem bao nhiêu tranh, nhưng điều đặc biệt là tôi cảm thấy căn phòng nhỏ bé này ngày một mở rộng, không gian xung quanh đầy màu sắc và sống động hơn bao giờ hết. Những bức tranh đó không quá ấn tượng, không quá đẹp, nhưng chúng đầy màu sắc như một thước phim vô tận về cuộc sống. Dần dà, tôi chợt hiểu câu nói của hắn.

Tôi có thực sự đang “sống” không?

Từ bao giờ tôi trở thành một kẻ cục cằn và giả tạo?

Con người của tôi ở đâu?

Gà Bay không vẽ đẹp bằng tôi, kỹ thuật kém hơn tôi, nhưng căn phòng này, thế giới này của hắn lớn hơn tôi tưởng tượng nhiều. Hắn giỏi hơn tôi nhiều lắm.

Tôi cầm bút, rờ tay lên mặt giấy A4. Đã lâu lắm rồi tôi không vẽ, cảm giác ngượng ngịu. Ngượng vì chưa quen tay, vì những chuyện không hay trong quá khứ. Nhưng ở đây, ngay trước mặt tôi, có một người vượt qua tất cả để vẽ. Và không gì tuyệt vời hơn khi có thể vẽ lại khoảnh khắc này. Tôi bắt đầu vẽ lại Gà Bay, tư thế ngủ của hắn, khuôn mặt của hắn, mọi thứ cứ dần hiện lên. Vẽ tới đâu, tôi cười tới đó, bởi tôi biết đây mới là thế giới mà mình thuộc về. Cũng đêm hôm ấy, tôi có lời giải đáp cho cái tên Gabietbay, một cuộc đối thoại khi chúng tôi quen biết nhau lần đầu tiên:

“Ông là Gabietbay hả? Nhờ ông xem hộ tôi cái tranh này với!
Tôi thấy ông hay hoạt động ở đây
Nên muốn nhờ đánh giá”

“Ờ, ném link đây để tôi coi
Cũng đang rảnh
Định xem người khác vẽ thế nào”

“Mà sao ông lại đặt tên là Gabietbay?”

“À :))
Vì con gà có cánh nhưng không bay được
Nó là giống chim què
Nhưng mà nó vẫn vỗ cánh
Hy vọng một ngày có thể bay được
Đơn giản thế thôi :D”

Sáng hôm sau, vì mệt, vì rượu ngon, mười giờ sáng tôi mới trở dậy. Gà Bay mời tôi ở lại cơm trưa nhưng tôi từ chối, chỉ hỏi đường ra bến xe. Còn rất nhiều thứ để tôi và Gà Bay tâm sự và một cuộc nhậu vẫn chưa thấm tháp vào đâu. Nhưng tôi thấy mình cần trở về với gia đình, tôi biết mình cần phải làm gì. Tôi muốn lần sau gặp lại, tôi có thể kể nhiều thứ hơn cho Gà Bay, kể nhiều dự định tương lai hơn cho hắn nghe. Tôi tự hứa với mình như thế.