Dưới ánh trăng soi – Phần 16

Phần 16

5h chiều, tôi và lão Phồn đang thay nhau chơi Pikachu trên máy tính thì tôi nghe thấy tiếng lạch cạch ở ngoài cổng, mặc lão chơi tôi chạy ra xem sao, thấy con mẹ đồng nát cứ thập thò, tôi quát:

– Không có gì bán đâu, biến đê

Con mụ này như kiểu bị điếc, vẫn nấn ná chưa chịu dời đi nhìn kỹ thì dường như không phải đồng nát mà là mụ bán thịt ngoài ngã ba chợ làng

– Chị tìm ai? Ông Hảo điếc ông ý về quê rồi

– Cho hỏi anh Phồn có đây không?

Tôi quay vào nói với lão Phồn:

– Có mụ bán thịt lợn tìm anh kìa

Lão quay mặt ra hỏi:

– Đâu?

– Ngoài cổng…

– Chắc tìm ông Hảo đấy, mày ra bảo ông ấy về quê rồi, tối mai đến

Tôi đi ra cổng, bảo là ông Hảo về quê rồi mai đến nhé, nhưng mụ vẫn quả quyết em đến gặp anh Phồn mà… Lúc ấy mới thấy lão Phồn thò cái mặt ra:

– Bạn anh đấy

Tôi chết đứng mất chục giây mới hoàn hồn đi vào nhà theo sau bạn lão, người đàn bà có lẽ là bồ của lão có quả mông to đoành như 2 cái lồng bàn, lưng to như cái phản, dáng được tạo theo phong cách “ngực tấn công, mông phòng thủ”, được cái có cặp vú đúng với niềm khao khát của lão Phồn, to như 2 quả bưởi Diễn, phồng lên dưới lớp áo căng đét…

Vào trong nhà tôi mới choáng, khi chị vừa mở rọ mõm ra, cái đéo gì thế này? Tôi tự hỏi và bàng hoàng cứ ngỡ thần tượng của tôi – Rô vẩu – đang xuất hiện ngay trước mặt. Tôi vẫn chưa hoàn hồn thì lão giới thiệu:

– Đây là chị Na, bạn anh

Trời ơi, Marađô Na trong hình hài Rô vẩu, chị nhìn tôi toét miệng cười đầy thiện chí, tôi tí ngất. Thề luôn khi chị cười hở cả một mảng lợi thâm xì như miếng tiết luộc, ôm lấy hàm răng chỗ trắng chỗ vàng tranh nhau xếp hàng không theo một trật tự toán học nào hết trơn..

Phải nói gương mặt chị với đôi mắt híp, cái mũi tẹt đỏ ửng và cái miệng huyền thoại, kết hợp với thân hình đẫy đà một cách đầy phồn thực ấy, tạo lên một hình ảnh người đàn bà xấu một cách hoàn hảo…

Trong lòng tôi bái phục lão Phồn sát đất, cũng đến lạy lão luôn vì chỉ với một con mắt nghệ sĩ, đầy cảm thụ nghệ thuật một cách thiên tài mới có thể tìm ra một người đàn bà xấu điên đảo đến thế, gọi lão là Phồn hâm cấm có sai…

Tôi đi ra ngoài cho đỡ ngột ngạt và tỉnh táo lại một chút, để hai anh chị trong phòng tâm sự… Lúc sau thì hai anh chị đi ra, chị Na chào tôi và khuyến mại thêm cho nụ cười nữa

– Chị về Quân nhé

– Dạ…

Đéo biết tối nay có nuốt nổi mỳ tôm không nữa. Lão Phồn kéo tôi lại bảo:

– Tối ăn tạm mỳ tôm nhé, anh ra ngoài thị trấn một tí

– Đi chén hả? Tôi hỏi nhỏ

Lão cười tít cả mắt, giọng đầy vẻ tự hào:

– Ừ, mỡ dâng tận mồm không chén có mà điên, hỏi ngu thế…

Tối, tôi ăn tạm hai gói mỳ phở không người lái rồi nằm đọc sách theo thói quen rất tao nhã, chả hiểu lão Phồn nhặt được ở đâu lắm tiểu thuyết thế, toàn dạng kinh điển dài tập. Mấy hôm nay tôi đang đọc cuốn “Trăm năm cô đơn”, đọc cho vơi nỗi cô đơn.

Mùa đông, gió lùa vào lạnh lạnh, đột nhiên lại nhớ tới những ngày đông xưa ấy khi còn bé, nằm nghe mẹ kể chuyện cổ tích bên cây đèn dầu. Thấy nhớ mẹ quá… Tôi dậy khoác cái áo rồi đi ra chỗ bể nước, định gọi điện về cho bà già cái… Gần ra đến nơi thì nghe thấy bên kia cũng có người đang nói chuyện điện thoại, nghe giọng thì có lẽ là một trong 2 em Hồng, Nhung, vừa nói vừa khóc thút thít nữa. Máu tò mò nổi lên tôi đứng nép một góc nghe lén.

– Vâng, hôm nay chỉ còn mỗi mình con ở lại…

Nói xong lại khóc, bên kia chắc lại hỏi trên này có lạnh không

– Cũng bình thường mẹ ạ

Tôi nín thở nghe hết cuộc nói chuyện của em nó với mẹ, đi thực tập xa, lại ở nơi hẻo lánh lạnh giá thế này một mình, tôi con trai còn thấy nhớ nhà nhớ mẹ huống chi là em nó phận nữ nhi liễu yếu đào tơ, chợt thấy dâng lên niềm thương cảm… Em nó đi vào, tôi vẫn ngẩn người không biết làm gì…

À, chị Na đi Nhô vừa nãy cho mấy bắp ngô nếp nướng chưa kịp ăn, hay là mình mang sang rủ em nó ăn cùng cho vui nhỉ? Nghĩ rồi tôi đi vào trong nhà, cầm túi ngô rồi lò dò chui qua chỗ giàn mướp sang bên kia…

Đó là một buổi tối mùa đông lạnh, mọi người về quê hết bên ấy chỉ còn có mỗi em Nhung ở lại. Tôi cầm túi ngô sang bắt chuyện làm quen. Cái bản mặt tôi nhìn cũng không đến nỗi dâm dê đê tiện, có vẻ hơi quê quê nhưng đẹp trai, nhanh chóng chiếm được thiện cảm của em nó. Quan trọng là có mấy bắp ngô nướng đưa chuyện…

Em Nhung nhìn cũng bình thường, không xinh mà cũng chẳng xấu, tôi nói chuyện rồi kể với em nó ngày xưa hồi mới đi học anh cũng nhớ nhà lắm, nhiều khi nhớ phát khóc ý. Em bảo eo ôi con trai mà cũng nhớ nhà phát khóc á?

Ừ, con gì thì chả là con hả em, có phải gỗ đá đâu…

Thực ra hồi ấy chỉ khi nào hết tiền tôi mới thấy nhớ nhà thôi, chứ bình thường có thấy nhớ nhung gì éo đâu.

Em kể nhà em ở dưới Thành phố, lên đây thực tập chứ sau này chưa chắc đã ở lại đây dậy học..

Tôi bảo nghề giáo viên của bọn em vất vả thật đấy, xong lại kể khổ của nghề xây dựng… Em nó cũng đồng cảm lắm… Cứ khen ngô ngon suốt…

Từ đó, tôi quen và chơi với mấy cô giáo bên ấy, chui qua chui lại dưới cái giàn mướp liên tục. Bên này có bốn người thì ông Hảo điếc coi như vứt đi, suốt ngày nằm nghe Ép Em, thằng cu Đồng thì nhát gan, rủ sang tán gái sợ đéo dám đi, cứ ngồi lì chơi Pikachu mãi mà không phá đảo, còn lão Phồn hâm thì… Dạo này lão đã có người tình trong mộng là chị Na rồi, còn thiết tha ai nữa…

Có hôm, anh em thủ thỉ tâm sự trong lúc rượu say, tôi hỏi lão:

– Sao anh lại thích chị Na? Em hỏi thật?

Giọng lão kề cà:

– Xấu nhưng nó biết phấn đấu…

– Là sao anh?

– Sao nhiều lúc ta thấy mày cứ ngơ ngơ thế đéo nào ý, chẳng tinh tế gì cả

– Em thì sao sánh được với anh… Anh cứ đòi hỏi ai cũng giỏi như anh, cũng đầy tính nghệ sĩ như anh sao được.

Tôi còn định bảo đéo ai hâm được như anh, chưa kịp nói thì lão đã ngồi bật dậy, như kiểu bị thằng nào lấy kim chọc vào đít

– Này, anh nói cho chú nghe mà biết nhé. Con Na trông thế thôi nhưng nó hiểu anh lắm

– Vậy hả anh?

– Ờ, chắc là mày chê nó xấu đúng không?

– Đâu, em có chê đâu – Tôi cãi ngay

– Thôi đi ông ơi, tôi đi dép trong bụng ông rồi…

– Hí hí… Sao cái đéo gì anh cũng giỏi thế nhỉ?

Lão được khen sướng, cười tít mắt, được đà trút bầu tâm sự luôn.

Chị Na nghề chính là nuôi lợn, nhà chị có cả một cái trang trại nuôi mấy chục con lợn, ngoài ra còn cả một khu vườn rộng cỡ chục hét ta để trồng cây, tận dụng phân lợn cho đỡ phí. Chị trồng rau lang lấy lá cho lợn ăn, phân lợn lại được đem bón cho rau, cho ngô, cho mía. Thảo nào mấy lần chị mang mía sang cho, ăn cứ ngọt thỉu, ông Hảo điếc tấm tắc khen “Mía gì mà ăn cứ ngọt lịm” Lão Phồn sướng bảo “Mía bón phân lợn đấy”

Chị Na hay đến lấy nước gạo về cho lợn ăn, đổi lại chị rất hay mang ngô với cả mía sang cho. Càng ngày càng thấy chị tốt tính, đúng như lão Phồn nói nó xấu nhưng kết cấu nó đẹp…

Tôi bảo lão Phồn: Anh chị đúng là một cặp trời sinh

Lão cười hềnh hệch gật đầu: Chú nói phải

Có một điều rất mất dạy trong suy nghĩ của tôi là tôi cứ hay liên tưởng lão Phồn với chị Na giống như Chí Phèo Thị Nở trong truyện Nam Cao, có cái giống mà cũng có cái không giống. Lão Phồn thì không nát rượu chầy bửa như Chí Phèo mà lão là một nghệ sĩ, một thằng hâm chính cống, có lúc cao hứng quá lão còn đọc cho tôi nghe mấy câu thơ mà lão với chị Na vẫn thường đối ẩm với nhau những lúc mà chị Na đang tắm cho lợn.

Lão đứng ngoài cửa chuồng lợn ngâm nga:

“Trai xây dựng đắm mình trong vôi vữa

Lấy bức tường làm điểm tựa tình yêu

Xin thề rằng nếu thằng Phồn này nói điêu

Phồn sẽ bị đắm mình trong vôi vữa”

Nàng đáp lại:

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Na có thêm ngày nữa để chăn heo”

Thơ mộng vãi đái…